Một người đàn ông nước ngoài có vợ là người Việt Nam, với sự bảo lãnh của vợ, ông đã đến Việt Nam sinh sống trong nhiều năm qua. Nay người vợ chết, người bảo lãnh không còn, vì những điều kiện của bản thân và vì cả tình yêu thương dành cho người vợ đã mất, ông muốn tiếp tục ở lại Việt Nam sinh sống. Ông hỏi trường hợp của ông như vậy có được nhà nước Việt Nam cho phép không? Đây là câu chuyện có thật được gửi tới chúng tôi, cũng là câu hỏi để chúng ta cùng tìm hiểu theo quy định của pháp luật, trường hợp nào người nước ngoài có thể đến sinh sống tại Việt Nam và ai có thể bảo lãnh người nước ngoài ở lại Việt Nam.
Khác với đa phần người có quốc tịch nước ngoài bảo lãnh người thân là người Việt Nam sang sinh sống ở nước sở tại của họ. Thực trạng người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống và được người thân là người Việt Nam bảo lãnh hiện nay cũng rất nhiều.
Những năm gần đây số lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại việt Nam tăng lên đáng kể. Thay vì chọn nước mình, họ chọn Việt Nam là đất nước để gắn bó lâu dài, là nơi để họ an cư lạc nghiệp.
Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam thông thường theo hai hình thức: Thường trú và tạm trú.
Trường hợp người nước ngoài được phép thường trú tại Việt Nam
Thường trú được hiểu là sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định. Có rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, nhưng không phải ai cũng được phép thường trú, sinh sống hợp pháp. Theo quy định tại Điều 39 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014 , có 04 trường hợp người nước ngoài được xét thường trú tại Việt Nam, bao gồm những người sau:
- Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước.
- Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam.
- Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.
- Người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước.
Khi đến sống ở Việt Nam họ phải làm hồ sơ đăng ký thường trú, đựơc cấp thẻ thường trú và đều phải chứng minh mình đã có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định để có thể bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Trường hợp người nước ngoài được phép tạm trú tại Việt Nam
Tạm trú được hiểu là sinh sống tạm thời, không ở thường xuyên một cách chính thức trong một khoảng thời gian xác định. Căn cứ Điều 36 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2019, quy định về đối tượng nước ngoài tạm trú tại Việt Nam là:
- Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.
- Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.
Người nước ngoài khi tạm trú tại Việt Nam sẽ phải khai báo, đăng ký tạm trú thông qua người trực tiếp quản lý cơ sở lưu trú, được cấp thẻ tạm trú.
Ai có thể bảo lành người nước ngoài ở lại Việt Nam
Căn cứ vào Điều 39 và Điều 40 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014 quy định về điều kiện thường trú, người nước ngoài muốn đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện về nhân thân và công ăn việc làm như: Có cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên; có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam; là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị. Và theo Điểm a Khoản 2 Điều 5 Thông tư 31/2015/TT-BCA , người nước ngoài đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên được xác định trên cơ sở dấu kiểm chứng nhập cảnh, dấu kiểm chứng xuất cảnh được cấp tại cửa khẩu có tổng thời gian tạm trú tại Việt Nam từ 03 năm trở lên trong 04 năm gần nhất tính đến ngày nộp hồ sơ xin thường trú. Hay theo những điều kiện để tam trú như: Hộ chiếu còn hạn sử dụng tối thiểu là 13 tháng, có làm thủ tục đăng ký tạm trú tại công an xã, phường theo đúng quy định.
Theo những căn cứ trên, có thể hiểu trong những điều kiện quy định để người nước ngoài có thể đến Việt nam sinh sống thì điều kiện người bảo lãnh là điều kiện rất quan trọng. Vậy những ai có thể bảo lãnh cho người nước ngoài đến sống và làm việc tại Việt Nam?
Điều 14 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này, bao gồm:
- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ
- Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng và tương đương; Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy banthường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
- Tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
- Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam
- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam
- Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài; vănphòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam
- Tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam
- Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú.
Như vậy thì, các tổ chức và cá nhân đều có thể bảo lãnh người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của luật Xuất nhập cảnh, cư trú dành cho người nước ngoài.
Trở lại trường hợp của người đàn ông nêu trên. Hiện tại nếu vợ ông đã chết, ông vẫn có thể tiếp tục ở lại Việt Nam sinh sống khi là các trường hợp phổ biến nhất như : Có sự bảo lãnh của người thân cư trú tại Việt Nam là con cái trên 18 tuổi; là lao động hợp pháp tại Việt Nam được tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài, tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam bảo lãnh; trở thành nhà đầu tư tại Việt Nam với số vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật Việt Nam…
Ngoài ra, để có đủ điều kiện, nếu muốn ở lại Việt Nam sinh sống, người nước ngoài cũng cần chú ý khai báo tạm trú, thường trú đúng theo quy định để khi có sự thay đổi về tổ chức bảo lãnh, người bảo lãnh thì vẫn còn cơ sở thực hiện các thỉnh nguyện để được xem xét.
Trên đây chúng tôi vừa giúp quý vị tìm hiểu ai có thể bảo lãnh để người nước ngoài có thể đến cư trú tại Việt Nam. Đây là một vấn đề có rất nhiều tình tiết xem xét tùy vào từng trường hợp nên cũng chưa thể nói rõ trong một bài viết. Chúng tôi sẽ thông tin chi tiết hơn trong những bài viết tiếp theo. Nếu cần tư vấn trực tiếp, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: letran@familylawyers.vn