Chỉ cần gõ từ khóa “Bạo hành trẻ em” sẽ có hàng loạt tít hiện ra trên các trang truyền thông. Sẽ chẳng khó để thống kê mỗi năm số ca bạo hành trẻ em được đưa công khai rộng rãi trên truyền thông. Con số này không chỉ là hàng chục. Thế nhưng, thực tế có thể lại là hàng trăm, hàng nghìn. Bạo hành trẻ em luôn là vấn nạn nhức nhối khi mà hậu quả do nó mang lại có thể khiến trẻ em bị tổn thương sâu sắc về cả thể xác cũng như tâm hồn. Những đứa trẻ đáng lẽ được sống trong sự yêu thương, nâng niu lại phải chịu những trận đòn roi kinh hoàng trong chính ngôi nhà mình sinh sống. Con số thống kê có hơn 70% vụ bạo hành trẻ diễn ra chính tại gia đình nạn nhân là nốt nhạc quá buồn! Kết cục của mỗi vụ án, những đứa trẻ sẽ mang trong mình nỗi đau dai dẳng. Thậm chí có những cháu bé đã phải ra đi mãi mãi với sự nuối tiếc, căm phẫn của người thân, gia đình và cả xã hội.
Trẻ em thường bị bạo hành dưới bàn tay của những người mà chúng tin tưởng nhất. Chưa bao giờ vấn nạn trẻ em bị chính cha mẹ ruột, người thân trong gia đình lạm dụng, xâm hại lại nhức nhối như hiện nay. Còn nhớ có những thời điểm, chỉ trong vòng 1 hoặc hai tháng, liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em lộ ra với tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc, phẫn nộ và căm phẫn cho toàn xã hội.
Như thếnào là bạo hành trẻ em?
Bạo hành trẻ em được xem là một trong những vấn nạn kinh khủng đang tồn tại trong xã hội hiện nay. Theo tổ chức Y tế hới giới Who, bạo hành trẻ em là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em về cả thể chất và tinh thần như đánh đập, làm nhục, xâm hại… dẫn đến những mối nguy hiện tiềm ẩn hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ. Cùng giải thích tương tự, tại Khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em 2016 cho rằng bạo hành trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
Như vậy, có thể hiểu bạo hành hay bạo lực trẻ em là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em. Trong đó: Bạo lực thể chất là hành vi sử dụng sức mạnh thể chất với mục đích gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe của trẻ như đánh đập, hành hạ gây tổn thương cơ thể của trẻ, ép trẻ làm những việc quá sức. Bạo lực tinh thần là hành vi chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề gây áp lực thường xuyên về tâm lý trẻ, cô lập không cho trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài, cố ý bỏ rơi trẻ. Những hành vi này mặc dù không tác động trực tiếp đến sức khỏe về mặt thể chất nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự phát triển tâm lý của trẻ.
Thực trạng bạo hành trẻ em gây căm phẫn và rúng động dư luận xã hội
Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Những vụ bạo hành xảy ra đối với trẻ em khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Có những em mang theo mình nỗi đau dai dẳng do bị xâm hại, thậm chí có những đứa trẻ ra đi mãi mãi trong sự bàng hoàng, tiếc thương của gia đình và người thân. Thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trẻ liên tiếp được phanh phui, không chỉ xảy ra ở các trường học, điểm trông giữ trẻ mà còn diễn ra ngay trong gia đình các em. Không ít trường hợp chính những người sinh thành, dưỡng dục hoặc người tình của họ lại nhẫn tâm đánh đập, hành hạ trẻ một cách không thương tiếc. Không ai là không nhớ và bức xúc khi:
- Bé gái 8 tuổi tử vong do dì ghẻ và bố bạo hành tại Tp.HCM. Vụ việc mẹ kế đánh đập, bạo hành đến chết bé N.T.V.A 8 tuổi cách đây không lâu. Ngày 28.12.2022 Cơ quan điều tra Công an Quận Bình Thạnh quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang 26 tuổi, ở Gia Lai về tội hành hạ người khác. Nguyễn Võ Quỳnh Trang là “mẹ kế” bạo hành con riêng của người tình. Trong thời gian dài cùng sống chung, Trang nhiều lần đánh đập bé V.A, gây nên nhiều vết bầm trên người. Trang thường dùng roi mây và gậy gỗ để răn dạy bé VA trước sự chứng kiến của bố. Ngày 22.12.2021, trong quá trình dạy học cháu A, Trang nhiều lần đánh cháu vì làm bài sai khiến cháu VA. bị nôn ói, bé được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.
- Bé trai 5 tuổi ở Bình Dương vị cha dượng bạo hành. Vụ việc xảy ra tại Phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An, Tỉnh Bình Dương. Một đoạn clip dài khoảng 4 phút ghi lại cảnh một người đàn ông đang bạo hành, đánh đập một em bé tại nhà được đăng lên mạng xã hội khiến nhiều người căm phẫn. Vào cuộc điều tra, Công an Bình Dương đã bắt giữ Lê Hoài Nam sinh năm 1992, ở Quận 8, TP.HCM – người đánh bé trong đoạn clip. Theo đó, từ năm 2020, Nam sống chung như vợ chồng với chị N.H.T 29 tuổi, là mẹ bé trai N.P.A 5 tuổi – nạn nhân bị hành hạ trong đoạn clip. Quá trình sinh sống với chị T., Nam thường đánh đập chửi mắng cháu A. Đỉnh điểm là vào tối 3.8. 2021, cháu A. đòi ra ngoài chơi nên Nam đã đánh đập cháu bé rất dã man, đạp lên người cháu, thậm chí xách bé lên và thẳng tay quăng xuống đất. Cơ quan công an cũng xác định được đây không phải lần đầu Nam đánh cháu A.
- Bé gái 3 tuổi bị cha dượng cắm 9 cây đinh vào đầu tai Hà Nội. Vụ bạo hành khiến dư luận căm phẫn khi cha dượng găm 9 vật cứng vào đầu bé Đ.N.A 3 tuổi,…
Và còn vô số các vụ bạo hành khác mà báo chí đã đưa tin như cháu bé 2 tuổi bị 2 bảo mẫu bạo hạ dã man ở Đà Lạt, Bé trai bị bố và bà nội hành hạ dã man ở Đăk Lăk …
Nguyên nhân gây ra hành vi bạo hành trẻ em
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình, trước hết phải kể đến:
- Nhận thức về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng. Nhiều thói quen, phong tục, tập quán khiến cho người ta coi chuyện đánh con là bình thường và xem đó là quyền của cha mẹ phải dạy cho con nên người. Quan niệm “Thương cho roi cho vọt”. Do thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng. Theo thống kê từ Cục trẻ em – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có đến 71% trẻ từ 1 đến 4 tuổi từng bị xử phạt bằng bạo lực, đòn roi. Không hiếm để bắt gặp trong nhiều gia đình có những chiếc roi để “dạy dỗ” nếu con hư, thậm chí trên một số sàn thương mại điện tử còn bán các sản phẩm với tên như “roi mây dạy dỗ trẻ”. Đáng nói là có đến 70% trường hợp bạo lực trẻ em được gây ra bởi chính người thân trong gia đình. Nhiều cha mẹ coi con cái là “bao cát” để trút giận. Bản thân người lớn cũng thường cho rằng phải dùng đòn roi dạy dỗ thì con mới nên người, con mình mình đánh, mình dạy thì không được tính là bạo hành. Nhận thức về bảo vệ trẻ em còn hạn chế thể hiện ở khía cạnh thiếu hiểu biết về luật pháp, về các hành vi vi phạm quyền trẻ em, dẫn đến tình trạng người thân trong gia đình xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em (khoảng 50% tổng số vụ vi phạm) và các thành viên khác trong xã hội phạm tội nghiêm trọng đối với trẻ em đến mức phải xử lý hình sự.
- Hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Đa phần những trường hợp bạo hành xuất hiện ở những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Gia đình không hạnh phúc, không đầy đủ bố mẹ. Chẳng hạn như trẻ sống cùng cha hoặc mẹ đơn thân, cha hoặc mẹ có thêm gia đình mới, sống với ông bà, họ hàng, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bản thân có khi không được đi học mà phải tự kiếm sống. Với nhứng người cha mẹ đơn thân, áp lực từ việc một mình kiếm tiền lo cho con, chăm sóc con, đặc biệt trong trường hợp là người dân trí thấp, thiếu hiểu biết, thêm vợ hoặc chồng bỏ đi thì thường có thái độ trút giận lên con mình. Trong trường hợp trẻ sống cùng cha hoặc mẹ kế là tình huống dễ xảy ra bạo lục trẻ em nhất. Có rất nhiều vụ mẹ kế, cha dượng đánh đập, hành hạ con riêng mà cha mẹ ruột không hề hay biết, thậm chí đáng buồn hơn là biết nhưng làm lơ. Tâm lý những người cha dượng, mẹ kế thường có phần ghen tị, tức giận với người trước, đồng thời họ cũng sợ người con chung sau này bị thiệt thòi hơn nên thường hành hạ con riêng để “giải tỏa” tâm lý xấu xa của mình. Trường hợp trẻ sống cùng ông bà họ hàng. với một số người có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm xa nên phải gửi con ở quê để sống cùng họ hàng như cô dì chú bác hay ông bà. Dù được gia đình gửi tiền về nhưng có những người vẫn cho rằng con là gánh nặng nên thường xuyên bắt ép làm việc quá sức, thậm chí đánh con mỗi khi có vấn đề tức giận. Ngoài ra trường hợp gia đình khó khăn, áp lực cuộc sống, áp lực từ việc chăm sóc gia đình khiến những người trụ cột cảm thấy mệt mỏi nên thường chọn cách trút giận vào gia đình, con cái. Họ có thể có tâm lý chính vì có con mà cuộc sống của họ mới khó khăn như thế này. Hay trong trường hợp trẻ Không được đi học mà phải đi lao động tự kiếm sống. Những đứa trẻ bị bỏ rơi nên bị những kẻ xấu ép đi ăn xin, đi cướp giật.. Hoặc có những đứa trẻ yếu đuối, không có gia đình, không đủ học thức nên thường bị những kẻ xấu bóc lột sức lao động, làm việc quá sức nhưng trả lương rất ít bởi chúng biết rằng sẽ chẳng có ai đứng ra bảo vệ… Từ việc gia đình không có được một chức năng bình thường, cho đến sự thiếu thông đạt, sự khiêu khích của người phối ngẫu, hay sự dồn nén tâm lý của một người, hoặc vì các chất kích thích như rượu, thuốc sự khó khăn về kinh tế,… đều dẫn đến bạo hành trẻ em.
- Sự vô tâm của người lớn. Tâm lý người lớn đều rất sợ phiền phức, ngại đụng chạm, không thích soi mói đến vấn đề của người khác. Rất nhiều trường hợp bạo hành trẻ em trong một gia đình dù được những người hàng xóm xung quanh biết, nghe tiếng la hét kêu cứu của con mỗi ngày nhưng không ai tố giác. Phần vì mọi người sự bị cho là nhiều chuyện, lo chuyện bao đồng. Mặt khác khi là nhân chứng những người này thường bị gọi ra tòa hay đến các trụ sở công an để làm việc, viết tường trình hay thậm chí ra tòa làm chứng. Ai cũng muốn mình trở thành người tốt nhưng lại rất sợ phần phiền phức và sợ bị trả thù nên thường trốn tránh. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự liên quan đến họ. Các chế tài về bảo vệ nhân chứng ở nước ta vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, đủ sức răn đe nên tâm lý e ngại này là điều khó tránh khỏi.
- Pháp luật về quyền trẻ em chưa chặt chẽ. Pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, chưa có quy định đặc biệt trong trường hợp nhận tố giác từ trẻ em. Môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như: Cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè; cha mẹ mâu thuẫn hoặc ly hôn, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái. Vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội.
Bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?
Bạo hành đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật tại khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em 2016. Tuỳ vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính
Tại Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em,quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em là: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau : Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em. Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần. Và khi chịu phạt hành chính, buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên nếu có. Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
Ngoài ra, tại các Điều 23, 24, Nghị định 130/2021/NĐ-CP cũng quy định các mức phạt liên quan dẫn đến bạo hành trẻ em là: lạm dụng, bóc lột, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, không thực hiện trách nhiệm bảo đảm chế độ dinh dưỡng phù hợp với sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ… với mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Xử lý hình sự
Hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như: tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người. Cụ thể:
- Tội hành hạ người khác. Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 , thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ. Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên. Đối với 02 người trở lên.
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác. Được quy định tại Điểm C, Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 : Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Tội vô ý làm chết người. Quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015: Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
- Tội giết người. Quy định tại Điểm B, Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015: Người nào giết người dười 16 tuổi thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trong các tội danh nêu trên, khi có tình tiết phạm tội đối với người dười 16 tuổi thì người thực hiện hành vi phạm tội có thể chịu hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình. Có thể thấy, trẻ em là đối tượng được bảo vệ đặc biệt trong pháp luật nước ta.
Như vậy, người có hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.
Bạo hành trẻ để lại rất nhiều hậu quả cả về thể chất, tinh thần. Đứa trẻ đó khi trưởng thành sẽ dễ trở thành đối tượng bạo hành người khác hoặc có những hành vi tiêu cực như sử dụng ma túy, chất gây nghiện, quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, có thai sớm, làm cha mẹ sớm… nguy cơ vi phạm pháp luật cao hơn rất nhiều. Chống bạo hành trẻ em là trách nhiệm của cả gia đình và xã hội. Đừng để phải nuối tiếc khi hậu quả của nó mang đến.
Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: letran@familylawyers.vn