Giấy tờ Pháp lý Cá nhân

Bỏ Sổ Hộ Khẩu – Làm Cách Nào Để Chứng Minh Nơi Cư Trú?

Tác giả
Vania Van

Sẽ không là quá ngoa khi nói từ lâu văn hóa “hộ khẩu” đã thấm ăn sâu vào từng ngóc ngách đời sống, suy nghĩ của người dân Việt Nam.  Hầu như mọi giấy tờ hành chính pháp lý đều gắn liền với yêu cầu cung cấp hộ khẩu. Từ việc mua bán nhà cửa, xe cộ, xin việc làm, xin trường học cho con… mọi thứ đều có sự hiện diện của cái sổ hộ khẩu.  Thậm chí có một thời mà ngay cả trong nếp nghĩ người ta cũng ngầm đánh giá nhau qua cái “hộ khẩu”.  Sẽ thật oách khi có cái mác “hộ khẩu thành phố”.

Ấy vậy rồi cũng theo quy luật phát triển và đào thải, sổ hộ khẩu chính thức bị khai tử kể từ sau ngày 31/12/2022.  Cách quản lý bằng hộ khẩu sẽ được thay thế bằng phần mềm công nghệ hiện đại.  Trong nỗi niềm lưu luyến cái cũ, nỗi mong chờ, hy vọng thoát khỏi những ràng buộc, vướng víu bất cập của cái hộ khẩu mang lại, mọi người cũng phân vân không biết trong thời gian tới những gì liên quan đến hộ khẩu được giải quyết thay thế thế nào? Bỏ sổ hộ khẩu thì làm thế nào để chứng minh nơi cư trú?  Những vấn đề liên quan cần lưu ý khi bỏ sổ hộ khẩu là gì?…

Sổ hộ khẩu chính thức bị khai tử

Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 nêu rõ: sổ hộ khẩu được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.  Từ ngày 01/01/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng. Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 26, Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15-5-2021 của Bộ trưởng Bộ Công an cũng quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.  Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.  Như vậy sổ hộ khẩu chính thức bị khai tử.

Bỏ sổ hộ khẩu có lẽ là chủ trương được người dân ủng hộ nhất.  Bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy việc phải có sổ hộ khẩu mới giải quyết được các giao dịch, thủ tục hành chính pháp lý đã gây ra không ít phiền hà và khó khăn cho người dân.  Từ 01/07/2021 khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị thu hồi trong trường hợp có thay đổi thông tin.  Không cấp mới sổ đăng ký chỗ ở, sổ tạm trú.  Và kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2023, tất cả các sổ đăng ký chỗ ở và sổ tạm trú không còn giá trị.  Thay vào đó toàn bộ thông tin về hộ khẩu và cư trú của người dân được cập nhật lên cơ sở dữ liệu cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.  Sổ hộ khẩu chính thức bị khai tử, thay đổi phương thức quản lý từ sổ hộ khẩu giấy sang phương thức quản lý bằng công nghệ điện tử.

Những việc cần làm ngay khi bỏ sổ hộ khẩu

Hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành.  Người dân có thể sử dụng thông tin cư trú trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công.  Khi người dân đăng nhập hệ thống, thông tin cá nhân như họ tên, giới tính, ngày sinh, địa chỉ thường trú sẽ tự động hiển thị, công chức sẽ kiểm tra thông tin của người dân gửi có chính xác với thông tin được lưu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay không.  Do vậy, ngay thời điểm sổ hộ khẩu bị bỏ đi, để đảm bảo cho các giao dịch thuận lợi, tránh thông tin cá nhân chưa đầy đủ, người dân cần thực hiện những công việc sau:

Cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.  Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.  Điều 9 Luật Căn cước công dân nêu thông tin về công dân được thu thập, cập nhật gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu…  Do đó, công dân cần cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính sau ngày 31/12/2022.  Những thông tin đã được cập nhật sử dụng thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Đăng ký tài khoản định danh điện tử.  Tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VneID sẽ được dùng để chứng minh nhân thân, giao dịch các thủ tục hành chính thay cho căn cước công dân gắn chip theo Nghị định số 59/2020/NĐ-CP của Chính phủ.  Để đăng ký tài khoản định danh điện tử, người dân thực hiện đăng ký thông qua ứng dụng VNeID trên điện thoại di động, hoặc đến cơ quan công an địa phương để làm thủ tục.  Tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ.  Trong đó, mức độ 1 gồm những thông tin cá nhân và ảnh chân dung.  Ở mức 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản như: Giải quyết dịch vụ công trực tuyến về thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng…  Ở mức độ 2, tài khoản này có thêm thông tin về sinh trắc học của công dân.  Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương căn cước công dân gắn chip.  Với tài khoản này, người dân được sử dụng tất cả tiện ích đã tích hợp các loại giấy tờ gồm: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử điện, nước, chuyển tiền…

Làm căn cước công dân gắn chip.  Theo Điều 12 Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân.  Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi cá nhân.  Khi giao dịch các thủ tục hành chính, cơ quan chức năng sẽ sử dụng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia.  Công dân đang sử dụng chứng minh nhân dân 9 số, chưa biết số định danh cá nhân của bản thân, có thể gặp khó khăn trong việc xin xác nhận thông tin về cư trú.  Do vậy mọi người phải làm căn cước công dân gắn chíp để tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Xin giấy xác nhận thông tin cư trú.  Người dân có thể sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế khi cần xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin liên quan.  Nội dung của giấy xác nhận này gồm thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.  Theo Điều 17 Thông tư 55/2021 của Bộ Công an, mọi người yêu cầu cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú bằng các cách thức sau: Đến công an xã, phường, thị trấn; công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú.  Gửi yêu cầu xác nhận thông tin cư trú qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú hay Cổng dịch vụ công quốc gia.

Không còn sổ hộ khẩu làm cách nào để chứng minh nơi cư trú?

Bỏ sổ hộ khẩu giấy nhưng Nhà nước vẫn duy trì việc quản lý nhân khẩu, chỉ là thay thế hình thức quản lý từ sổ bằng giấy sang phần mềm công nghệ thông tin hiện đại.  Thông tin về nơi cư trú của công dân sẽ được cập nhật lên hệ thống điện tử để quản lý thống nhất.  Mỗi người sẽ có một mã số định danh cá nhân riêng.  Mã số này được in trên thẻ căn cước công dân. Trong đó, thể hiện đầy đủ các thông tin liên quan về quê quán, tên, tuổi, giới tính, ngày sinh, nơi cư trú…  Người dân vẫn cần phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây.  Nhưng khi đăng ký thường trú, tạm trú, thay vì được cấp một cuốn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy, người dân sẽ được cập nhật thông tin lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.  Dựa vào mã định danh riêng khi đi làm các giao dịch, mua bán, đăng ký xe máy, ôtô, khai sinh…  Người dân sẽ không phải mang giấy tờ đi nữa mà chỉ cần có mã thẻ này để cán bộ đối chiếu. Chỉ mất vài giây là tra ra kết quả dữ liệu về người đó.  Và do vậy để chứng minh nơi cư trú thì chỉ cần xem thông tin được tích hợp trên thẻ căn cước công dân của mỗi người là được.

Trên đây là một số lưu ý cần thực hiện để chứng minh nơi cư trú khi sổ hộ khẩu bị khai tử.  Với những nội dung trên, hy vọng đã giúp ích cho quý vị trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.  Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: letran@familylawyers.vn.

Chúng Tôi Giúp Đỡ Bạn Như Thế Nào?

Cho Chúng Tôi Biết Về Yêu Cầu Của Bạn ↓

Khách hàng vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu dưới đây để được liên hệ trong thời gian sớm nhất.

Hãy gọi cho chúng tôi

(+84 28) 36 22 77 30

Hoặc gửi email đến

letran@familylawyers.vn

Hoặc Gặp Chúng tôi Trực tiếp Tại:

Tòa nhà Lê & Trần – Trụ sở chính:
Khu 284 (Toà nhà số 9), Đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 10, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh


Tòa nhà Saigon Tower – Chi nhánh Trung tâm TPHCM:
Phòng 8, Tầng 16, Số 29 Đại lộ Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Tòa nhà Daeha Business Center – Chi nhánh Hà Nội:
Phòng 1606, Lầu 16, Số 360 Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội

Family Lawyers
Trụ sở chính

Tòa nhà Lê & Trần – Trụ sở chính: Khu 284 (Toà nhà số 9), Đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 10, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Chi nhánh Trung tâm TPHCM

Tòa nhà Saigon Tower – Chi nhánh Trung tâm TPHCM: Phòng 8, Tầng 16, Số 29 Đại lộ Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Chi nhánh Hà Nội

Tòa nhà Daeha Business Center – Chi nhánh Hà Nội: Phòng 1606, Lầu 16, Số 360 Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội

Gửi email cho chúng tôi qua letran@familylawyers.vn or give us a call

(+84 28) 36 22 77 30

© 2024 © Family Lawyers. All rights reserved Bảo mật & Điều khoản sử dụng | Privacy Policy