Với hy vọng trời Tây sẽ mang lại một cuộc sống sung túc, hiện đại, hiện nay có rất nhiều người Việt Nam tìm mọi cách ra nước ngoài để làm việc, để định cư. Trời Tây luôn là ước mong, nguyện vọng với rất nhiều người Việt Nam. Cuộc sống bên trời Tây thật đáng ngưỡng mộ. Thế nhưng, trong khi đó, ngược lại, cũng có nhiều người nước ngoài – Gọi theo cách thông thường là người Tây – lại chọn Việt Nam là đất nước để gắn bó lâu dài, là nơi để họ an cư lạc nghiệp.
Những năm gần đây số lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại việt Nam tăng lên đáng kể . Rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những anh chàng, cô nàng người Tây làm việc ở các văn phòng, cao ốc, trường học. Thậm chí có cả người Tây bán cà phê, bán bánh mì, bán quần áo trong các quán, các shop, trên vỉa hè… Người Tây đến Việt Nam sinh sống và làm đủ mọi nghề. Vậy người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại đất nước Việt Nam như thế nào? Có vi phạm không pháp luật hay không? Điều kiện nào để người nước ngoài được cư trú ở Việt Nam? Những quyền lợi dành cho người nước ngoài khi được cư trú hợp pháp?… Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Hiện nay người nước ngoài được phép đến sinh sống tại Việt Nam theo hai hình thức gọi thông thường: Thường trú và tạm trú.
Những người nước ngoài nào được phép thường trú tại Việt Nam
Thường trú được hiểu là sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định. Có rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, nhưng không phải ai cũng được phép thường trú, sinh sống hợp pháp. Theo quy định tại Điều 39 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014 , có 04 trường hợp người nước ngoài được xét thường trú tại Việt Nam, bao gồm những người sau:
- Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước.
- Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam.
- Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.
- Người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước.
Khi đến sống ở Việt Nam họ phải làm hồ sơ đăng ký thường trú, đựơc cấp thẻ thường trú và đều phải chứng minh mình đã có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định để có thể bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Những người nước ngoài nào được phép tạm trú tại Việt Nam
Tạm trú được hiểu là sinh sống tạm thời, không ở thường xuyên một cách chính thức trong một khoảng thời gian xác định. Căn cứ Điều 36 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2019, quy định về đối tượng nước ngoài tạm trú tại Việt Nam là:
- Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.
- Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.
Người nước ngoài khi tạm trú tại Việt Nam sẽ phải khai báo, đăng ký tạm trú thông qua người trực tiếp quản lý cơ sở lưu trú, được cấp thẻ tạm trú.
Những điều kiện cần phải có khi người nước ngoài muốn thường trú tại Việt Nam
Theo Điều 40 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014 quy định người nước ngoài muốn thường trú tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Người nước ngoài quy định tại Điều 39 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh 2014 được xét cho thường trú nếu có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
- Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị.
- Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên.
- Theo điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 31/2015/TT-BCA ,người nước ngoài đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên được xác định trên cơ sở dấu kiểm chứng nhập cảnh, dấu kiểm chứng xuất cảnh được cấp tại cửa khẩu có tổng thời gian tạm trú tại Việt Nam từ 03 năm trở lên trong 04 năm gần nhất tính đến ngày nộp hồ sơ xin thường trú.
Những điều kiện cần phải có khi người nước ngoài muốn tạm trú tại Việt Nam
Người nước ngoài muốn tạm trú tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện sau:
- Hộ chiếu còn hạn sử dụng tối thiểu là 13 tháng. Bởi trong trường hợp hộ chiếu còn hạn 13 tháng thì cơ quan xuất nhập cảnh sẽ cấp thẻ tạm trú với thời hạn tối đa ít hơn hạn hộ chiếu , nghĩa là 12 tháng.
- Người nước ngoài làm thủ tục đăng ký tạm trú tại công an xã, phường theo đúng quy định.
Quyền lợi của người nước ngoài khi được phép cư trú hợp pháp tại Việt Nam
Cư trú hợp pháp là cư trú đúng quy định, được sự chấp thuận, cho phép của pháp luật Việt Nam. Đồng nghĩa với việc người nước ngoài sẽ có được những quyền lợi được Nhà nước cho phép. Điều 44 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người ngước ngoài tại Việt Nam quy định những quyền của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam như sau:
- Được bảo hộ tính mạng, danh dự, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trong thời gian cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Người có thẻ tạm trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm; được bảo lãnh vợ, chồng, con dưới 18 tuổi ở cùng trong thời hạn thẻ tạm trú nếu được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người đó đồng ý.
- Người có thẻ thường trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm.
- Người đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam, được kết hợp du lịch, thăm người thân, chữa bệnh không phải xin phép; trường hợp vào khu vực cấm hoặc khu vực hạn chế đi lại, cư trú thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Thuyền viên trên các tàu, thuyền nhập cảnh Việt Nam được đi bờ trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu; trường hợp đi ra ngoài phạm vi trên hoặc xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu khác thì được xét cấp thị thực.
- Vợ, chồng, con cùng đi theo nhiệm kỳ của thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ được lao động nếu có giấy phép lao động, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động; được học tập nếu có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục.
- Người đang học tập tại các trường hoặc cơ sở giáo dục theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được kết hợp lao động nếu có văn bản cho phép của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục.
- Người không quốc tịch thường trú ở nước ngoài được nhập cảnh Việt Nam du lịch, thăm người thân.
- Người không quốc tịch cư trú tại ViệtNam có nhu cầu xuất cảnh được Bộ Công an xem xét cấp giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Trên đây chúng tôi vừa giúp quý vị tìm hiểu về những điều kiện để người nước ngoài có thể đến sinh sống tại Việt Nam, cũng như những quyền lợi họ sẽ có được khi được phép cư trú hợp pháp. Chúng tôi sẽ cung cấp cho quý vị những kiến thức về lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần những điều kiện gì trong những bài viết tiếp theo…Đừng quên theo dõi và cập nhập thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: letran@familylawyers.vn