Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực với trẻ em ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Những vụ bạo hành xảy ra đối với trẻ em khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Có những em mang theo mình nỗi đau dai dẳng do bị xâm hại, thậm chí có trẻ đã ra đi mãi mãi trong sự bàng hoàng, tiếc thương của gia đình, người thân và xã hội. Đau lòng là trẻ thường bị bạo hành dưới bàn tay của những người mà chúng tin tưởng nhất! Làm thế nào để trẻ nhận biết hành vi bạo hành, cũng như trẻ phải xử lý như thế nào trong tình huống bị bạo hành? Hay như xã hội phải làm thế nào nào để hạn chế nạn bạo hành trẻ em?… là những câu hỏi đặt ra và cần lời giải đáp.
Nguyên nhân nào khiến người lớn có hành vi bạo lực với trẻ em?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em, trước hết phải kể đến:
- Nhận thức về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng. Nhiều thói quen, phong tục, tập quán khiến cho người ta coi chuyện đánh con là bình thường và xem đó là quyền của cha mẹ phải dạy cho con nên người. Quan niệm “Thương cho roi cho vọt”. Do thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng. Theo thống kê từ Cục trẻ em – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, có đến 71% trẻ từ 1 đến 4 tuổi từng bị xử phạt bằng bạo lực, đòn roi. Nhiều cha mẹ coi con cái là “bao cát” để trút giận. Bản thân người lớn cũng thường cho rằng phải dùng đòn roi dạy dỗ thì con mới nên người, con mình mình đánh, mình dạy thì không được tính là bạo hành.
- Hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Đa phần những trường hợp bạo hành xuất hiện ở những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Gia đình không hạnh phúc, không đầy đủ bố mẹ. Với những người cha mẹ đơn thân, áp lực từ việc một mình kiếm tiền lo cho con, chăm sóc con, đặc biệt trong trường hợp là người dân trí thấp, thiếu hiểu biết, thêm vợ hoặc chồng bỏ đi thì thường có thái độ trút giận lên con mình. Trong trường hợp trẻ sống cùng cha hoặc mẹ kế là tình huống dễ xảy ra bạo lục trẻ em nhất. Tâm lý những người cha dượng, mẹ kế thường có phần ghen tị, tức giận với người trước, đồng thời họ cũng sợ con chung sau này bị thiệt thòi hơn nên thường hành hạ con riêng để “giải tỏa” tâm lý. Trường hợp trẻ sống cùng ông bà, họ hàng. Có những người vẫn cho rằng con là gánh nặng nên thường xuyên bắt ép làm việc quá sức, thậm chí đánh con mỗi khi có vấn đề tức giận. Ngoài ra trường hợp gia đình khó khăn, khiến những người trụ cột cảm thấy mệt mỏi nên thường chọn cách trút giận vào con cái.
- Sự vô tâm của người lớn. Tâm lý người lớn đều rất sợ phiền phức, ngại đụng chạm, không thích soi mói đến vấn đề của người khác. Rất nhiều trường hợp bạo hành trẻ em trong một gia đình dù được những người hàng xóm xung quanh biết, nghe tiếng la hét kêu cứu của con mỗi ngày nhưng không ai tố giác. Phần vì mọi người sợ bị cho là nhiều chuyện, lo chuyện bao đồng. Các chế tài về bảo vệ nhân chứng ở nước ta vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, đủ sức răn đe nên tâm lý e ngại này là điều khó tránh khỏi.
- Pháp luật về quyền trẻ em chưa chặt chẽ. Pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, chưa có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, chưa có quy định đặc biệt trong trường hợp nhận tố giác từ trẻ em. Vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế.
Hậu quả của hành vi bạo hành đối với trẻ em
Bạo hành hay bạo lực trẻ em là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ. Hậu quả của bạo hành thì thật không lường hết.
- Đầu tiên là sự khiếm khuyết về thể chất. Tất cả những hành động như đánh đập, vùi dập, khủng bố, làm nhục… đều gây đớn đau về thể xác cho trẻ. Thậm chí dẫn dến những thương tật vĩnh viễn, làm trẻ không thể phát triển về thể chất một cách bình thường. Những đứa trẻ thường xuyên bị đánh đập sẽ học tập sa sút, dễ bị những ảnh hưởng về sức khỏe như rối loạn hệ miễn dịch, bệnh phổi mãn tính, tăng nguy cơ ung thư…
- Ảnh hưởng đến phát triển tâm lý, cảm xúc. Những đứa trẻ thường xuyên bị bạo hành sẽ có các di chứng như nhiễu tâm lý, trầm cảm, sợ hãi, mất ngủ, thiếu tự tin, thất vọng và hay gây hấn. Lớn lên trẻ sẽ thiếu tự tin, rụt rè, luôn trong trạng thái thảng thốt, rối loạn hành vi và ứng xử. Nhiều trường hợp kéo theo sự thay đổi về tâm tính, khả năng nhìn nhận những mặt tốt – xấu trong xã hội, thậm chí trở nên vô cảm, lãnh đạm với mọi thứ xung quanh.
- Trẻ bị bạo hành có thể thành người dễ bạo lực người khác. Điều đặc biệt lưu ý là việc bạo hành sẽ gây hậu quả trầm trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Bị bạo hành trẻ dần dần hình thành một nhân cách nhút nhát, tự ti, thiếu sự khẳng định mình. Đứa trẻ đó khi trưởng thành sẽ dễ trở thành đối tượng bạo hành người khác hoặc sẽ có quan niệm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác, cũng không biết tôn trọng chính bản thân mình, dễ có những hành vi tiêu cực như sử dụng ma túy, chất gây nghiện, quan hệ tình dục sớm, có thai sớm, làm cha mẹ sớm, nguy cơ vi phạm pháp luật cao hơn.
Người lớn có thể làm gì để bảo vệ trẻ trước nạn bạo hành?
Trong bất kỳ hoàn cảnh, nguyên do nào thì việc dùng bạo lực với trẻ là không thể chấp nhận. Do đó cộng đồng phải có trách nhiệm phòng tránh bạo hành đối với trẻ em.
- Nâng cao nhận thức của xã hội, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về những hậu quả do bạo lực mang đến cho trẻ em. Cũng như tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữ gia đình – nhà trường – xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
- Lắng nghe và tin tưởng trẻ. Đưa ra những giải pháp để hỗ trợ và thể hiện mình đang lắng nghe trẻ. Như vậy trẻ sẽ yên tâm và nói với chúng ta nhiều hơn.
- Quan tâm đến những dấu hiệu trên cơ thể lẫn tâm lý của trẻ. Việc quan tâm đến những dấu hiệu trên cơ thể lẫn tâm lý của trẻ cũng là cách để các phụ huynh phát hiện ra được trẻ có bị bạo hành hay không, từ đó có cách giải quyết kịp thời. Những vết lằn từ roi, vết nhéo tai, tát má,… sẽ còn lưu dấu vết trên cơ thể của bé. Đặc biệt, những bé bị bạo hành nhiều ngày thường có biểu hiện lầm lì, ít nói, ngại tiếp xúc với người lạ, sợ đi học,…
- Khuyến khích trẻ nên chia sẻ với nhiều người hơn nữa để cùng hợp tác tìm ra giải pháp cho trẻ, kể cả báo công an. Giúp trẻ hiểu rằng, sau mỗi lần bị đánh đập, trẻ cần kể lại với một người lớn nào đó đủ tin tưởng và có khả năng bảo vệ trẻ. Chính người lớn cũng có thể chia sẻ câu chuyện của trẻ cho nhiều người khác để cùng tìm ra giải pháp. Kiên trì giúp đỡ cho đến khi chắc chắn rằng trẻ đã được an toàn.
- Đặc biệt với trẻ chưa biết nói và nhận thức. Phụ huynh nên tìm cho con môi trường chăm sóc thật tốt và an toàn để có thể giúp con không bị bạo hành, đồng thời cần phải tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề ngay khi phát hiện con có dấu hiệu bị bạo hành.
- Tố cáo khi phát hiện trẻ bạo hành . Nếu chứng kiến một đứa trẻ bị làm hại hoặc nhìn thấy bằng chứng trẻ bị hành hạ, hãy tố cáo với cơ quan chức năng hoặc công an địa phương trẻ sinh sống để họ theo dõi. Hãy lên tiếng để trẻ em không phải gánh chịu những hậu quả nặng nè do bạo hành gây ra.
- Dạy cho trẻ hiểu quyền của trẻ em. Khi nói chuyện với trẻ về lạm dụng, bạo hành, hãy lắng nghe cẩn thận, đảm bảo với trẻ rằng trẻ đã làm đúng bằng cách nói với người lớn và khẳng định rằng trẻ không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Phải khẳng định mạnh mẽ bạo lực trẻ em là không thể chấp nhận được nhưng có thể ngăn chặn được. Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực là trách nhiệm của mọi người.
Làm thế nào để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị bạo hành?
Bạo hành để lại rất nhiều hậu quả cho trẻ. Trang bị cho trẻ những kiến thức để nhận biết và cách phòng tránh là việc làm thiết thực để trẻ có thể tự chủ động tránh xa bạo hành.
- Dạy trẻ nhận thức về bạo hành. Cần giải thích cho trẻ hiểu rõ hành vi bạo hành là gì. Dạy trẻ biết phân biệt đâu là dạy dỗ, đâu là hành hạ. Rằng hành động bạo hành là sai trái và là tội ác.
- Hiểu và nhận biết hành vi bạo hành. Vì quan niệm “cha mẹ có quyền dạy con”, “thương cho roi cho vọt” nên rất nhiều trường hợp bạo hành diễn ra nhưng con trẻ, thậm chí là người lớn cũng không nhận biết được rằng đó là bạo hành. Vì vậy cần dạy trẻ nhận biết các dấu hiệu bạo lực sắp xảy ra và biết cách tránh xa bằng cách bỏ chạy khỏi khu vực nguy cơ và kêu cứu sự giúp đỡ.
- Không được sợ những lời đe dọa. Giáo dục trẻ không bao giờ được tin vào lời đe dọa rằng sẽ có điều tồi tệ hơn xảy ra nếu trẻ nói với một ai đó rằng mình bị bạo lực. Luôn cho trẻ tin tưởng rằng sẽ có người lắng nghe và tìm cách giúp đỡ mình.
- Nên kể , chia sẻ khi bị bạo hành. Việc giữ kín bị bạo lực là nguy hiểm, không an toàn. Do đó khi bị đánh đập trẻ nên kể lại,chia sẻ. Trẻ cần nói việc mình bị bạo lực với ai đó mà mình tin tưởng. Trong trường hợp người bạo lực với trẻ là người trong gia đình thì người để chia sẻ là những người ngoài gia đình như hàng xóm, cô giáo, bạn bè hoặc những thành viên khác trong gia đình.
- Trong trương hợp cần thiết biết gọi các số điện thoại khẩn cấp. Trẻ em Việt Nam chưa quen với việc gọi điện thoại yêu cầu giúp đỡ. Trong các trường hợp bị bạo hành trẻ cần gọi số 111 – Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, 18001567 đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Bộ Lao động thương binh xã hội, đường dây nóng 113 … và đường dây nóng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để có sự trợ giúp.
Trẻ em như búp trên cành. Đừng để bạo lực cướp đi tuổi thơ trong sáng của trẻ em. Hãy bảo vệ và nâng niu chúng vì chúng đáng được nhận mọi sự yêu thương!
Cùng tìm hiểu sâu hơn ở những bài viết tiếp theo. Đừng quên theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trên trang web của chúng tôi. Khi cần, hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: letran@familylawyers.vn