Ly thân là giải pháp giúp những cặp vợ chồng có mâu thuẫn bình tĩnh nhìn lại những vấn đề trong cuộc sống hôn nhân của chính họ. Sau thời gian ly thân, nếu không thể hòa hợp thì ly hôn là phương án tốt nhất đối với cả hai bên. Vậy cần ly thân bao lâu thì mới có thể chấm dứt mối quan hệ vợ chồng? Mời bạn theo dõi bài viết để tìm lời giải đáp cho những vướng mắc liên quan đến vấn đề này nhé!
Ly thân có phải làm đơn không?
Mục đích của ly thân chính là để vợ chồng có không gian nhìn nhận lại vấn đề hôn nhân của mình. Đồng thời, hạn chế những xung đột, ẩu đả đáng tiếc trong hôn nhân có thể xảy ra. Từ đó xoa dịu, giải quyết ổn thỏa mối quan hệ vợ chồng trên tinh thần tích cực, hàn gắn.
Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành hoàn toàn không có chế định về ly thân. Vì luật không quy định nên không có một định nghĩa chính xác về ly thân, cũng không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra giải quyết cho ly thân theo hướng ra quyết định hoặc bản án công nhận cho ly thân. Trong quy định về căn cứ cho ly hôn cũng không có quy định là vợ chồng phải sống ly thân một thời gian rồi mới được ly hôn.
Các văn bản pháp luật hiện hành mà cụ thể là Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không thừa nhận vấn đề ly thân, thực tế trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không có một cụm từ nào được gọi là ly thân. Do đó cần phải hiểu đây chỉ là một thuật ngữ xã hội chứ không phải là một thuật ngữ pháp lý. Cũng chính vì thế không có thủ tục nào gọi là thủ tục ly thân. Và ly thân cũng KHÔNG CẦN RA TÒA. Và Tòa án cũng không giải quyết các vấn đề liên quan đến việc ly thân.
Tuy nhiên, việc hai vợ chồng ly thân có thể là cơ sở cho thấy giữa vợ chồng tồn tại những mâu thuẫn kéo dài, không thể hàn gắn, không thể tiếp tục chung sống và mục đích của hôn nhân không đạt được. Đây sẽ là căn cứ để Tòa án giải quyết khi vợ chồng quyết định ly hôn.
Từ những căn cứ trên có thể thấy rằng không cần phải làm đơn khi ly thân.
Nên ly thân bao lâu thì ly hôn?
Như đã trình bày ở trên, mục đích của ly thân là giúp vợ chồng hòa giải mối quan hệ hôn nhân. Ly thân hướng đến sự hàn gắn, đoàn tụ. Vì thế không nên dùng ly thân để làm cơ sở, làm tiền đề để tiến tới ly hôn. Tuy nhiên, ý nghĩa và tác dụng mà ly thân mang lại là tích cực. Chính vì thế, theo các chuyên gia, vẫn nên suy nghĩ đến việc ly thân trước khi ly hôn. Lúc này, ly thân sẽ hỗ trợ vợ chồng những điều sau:
- Có thời gian và không gian riêng để bình tâm suy nghĩ lại các quyết định liên quan đến hôn nhân của mình.
- Hạn chế tối đa thương tổn trong hôn nhân.
- Sử dụng như cơ sở giải quyết ly hôn nếu quá trình ly thân không dẫn đến kết quả như mong muốn.
- Không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái chung.
- Ly thân giúp hai người có thời gian suy nghĩ tích cực hơn về mối quan hệ vợ chồng.
Ly thân là để hướng đến sự đoàn tụ, chứ không phải để hướng đến ly hôn. Với ý nghĩa đó, ly thân không phải là bước đệm để ly hôn.
Pháp luật Việt Nam không quy định ly thân bao lâu thì được ly hôn. Tại Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có quy định:
“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
Vì vậy, bạn chỉ cần chứng minh đời sống vợ chồng bạn đang xảy ra những vấn đề như đã được nhắc đến trong quy định trên thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành thực hiện thủ tục ly hôn cho bạn. Ly thân cũng có thể coi là cơ sở để chứng minh cho việc đời sống vợ chồng đang có nhiều mâu thuẫn, không thể hàn gắn hay tiếp tục sống chung để chọn quyết định ly hôn.
Thủ tục ly hôn sau khi ly thân
Sau thời gian ly thân. Nếu không thể hàn gắn. Hai vợ chồng có thể nộp đơn xin ly hôn.
Các bước tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương:
- Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
- Bước 2: Nhận kết quả xử lý đơn.
- Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
- Bước 4: Tòa án sẽ triệu tập lấy lời khai, hòa giải và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật Tố tụng dân sự.
- Bước 5: Trong trường hợp, Tòa án không chấp nhận yêu cầu ly hôn, người yêu cầu ly hôn có quyền kháng cáo để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm theo quy định pháp luật.
Tài sản hình thành trong giai đoạn ly thân được chia như thế nào?
Ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng hợp pháp. Vì thế thời gian ly thân vẫn được tính là trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, tài sản được hình thành trong giai đoạn vợ chồng ly thân vẫn được tính là tài sản chung. Khi quyết định ly hôn tài sản này cũng sẽ được xử lý theo đúng nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được quy định tại Điều 59 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Về việc chung sống như vợ chồng với người khác khi đang ly thân
Ly thân chỉ là giải pháp tình thế để hướng đến mục tiêu hàn gắn cuộc hôn nhân đang gặp vấn đề. Trong thời gian ly thân, tuy cả hai vợ chồng độc lập với nhau, họ có thể sống chung hoặc sống riêng, nhưng họ vẫn là vợ chồng. Tòa án chưa xử cho họ ly hôn và bản án, quyết định ly hôn chưa có hiệu lực pháp luật thì hai người vẫn đang trong thời kỳ hôn nhân. Chính vì vậy, việc vợ hay chồng đang ly thân nhưng nếu chung sống với người khác thì không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức. Tùy theo mức độ, hậu quả gây ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chúng tôi đã giải đáp cho các bạn những vấn đề pháp lý của việc ly thân. Nếu muốn tìm hiểu thêm sâu hơn nữa quy định của pháp luật về ly thân, ly hôn, hãy liên hệ với chúng tôi: letran@familylawyers.vn.