Đồng vợ đồng chồng tát Biển Đông cũng cạn, Ông bà xưa dạy như vậy để có cuộc hôn nhân tốt đẹp. Rồi khi cuộc hôn nhân rạn nứt, Biển Đông không thể cùng nhau tát đã đành, nhiều cặp đôi thậm chí mặt nhau còn chả buồn nhìn. Bất đồng quan điểm, không tìm được tiếng nói chung, trong mọi việc kể cả chuyện ly hôn, họ buộc chọn giải pháp ly hôn đơn phương để mong sớm chấm dứt cuộc hôn nhân của mình. Tuy nhiên không phải lúc nào Tòa án cũng cho phép ly hôn đơn phương.
Ly hôn đơn phương là gì?
Ở khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Việc ly hôn thường có sự đồng thuận hay không đồng thuận từ cả hai phía vợ hoặc chồng.
Ly hôn đơn phương được hiểu là việc chỉ có một bên vợ hoặc chồng mong muốn, tự nguyện nộp đơn xin ly hôn mà không cần sự đồng ý của bên còn lại. Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, tòa án khi tiếp nhận đơn xin ly hôn đơn phương sẽ tiến hành hòa giải tại tòa. Nếu hòa giải không thành, tòa án sẽ tiến hành thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật.
Những quy định của pháp luật khi đơn phương ly hôn
Điều kiện để vợ hoặc chồng được giải quyết đơn phương ly hôn
Theo quy định tại Điều 56 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì hiện nay pháp luật cho phép vợ, chồng được phép ly hôn đơn phương khi chứng minh được một trong những vấn đề sau:
- Vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần người kia
- Một bên có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng như không chung thủy, không yêu thương giúp đỡ nhau, có hành vi hành hạ tinh thần nhau…
- Đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không không đạt được như Vợ chồng không tình nghĩa, không bình đẳng, không tôn trọng danh dự, uy tín nhau…
- Một bên bị Tòa án tuyên bố mất tích.
Thủ tục ly hôn đơn phương thực hiện như thế nào?
Thủ tục ly hôn đơn phương được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Bước 2: Nhận kết quả xử lý đơn.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí đơn phương cho Tòa án.
Bước 4: Tòa án sẽ triệu tập lấy lời khai, hòa giải và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật Tố tụng dân sự.
Bước 5: Trong trường hợp, Tòa án không chấp nhận yêu cầu ly hôn người yêu cầu ly hôn có quyền kháng cáo để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm theo quy định pháp luật.
Những trường hợp không được đơn phương ly hôn?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 51 và Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì những trường hợp không được đơn phương ly hôn gồm:
- Không có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.
- Không có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng nhưng không làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
- Vợ hoặc chồng mất tích nhưng chưa có Tuyên bố mất tích của Tòa án thì Tòa án sẽ không giải quyết cho ly hôn.
Trường hợp khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì Tòa án sẽ không giải quyết ly hôn nếu rơi vào một trong hai trường hợp sau:
- Người yêu cầu ly hôn không phải là cha, mẹ, người thân thích khác của người bị bệnh.
- Không có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người bị bệnh.
Phải đảm bảo những điều kiện gì để được quyền nuôi con khi ly hôn đơn phương?
Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP, quyền nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện như sau:
- Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên với con sau khi ly hôn. Tòa án công nhận sự thỏa thuận này của các bên và các bên phải có nghĩa vụ thực hiện theo đúng thỏa thuận đã được công nhận
- Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định người trực tiếp nuôi con dựa trên quyền lợi trực tiếp của con
Một số nguyên tắc được Tòa án nhân dân dùng làm căn cứ để xác định việc trao quyền nuôi dưỡng con cho ai gồm:
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Tuy nhiên, người mẹ không được nuôi con dưới 36 tháng tuổi nếu không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
- Con từ 07 tuổi trở lên, thì trước khi quyết định, Toà án phải hỏi ý kiến của người con đó về nguyện vọng được sống trực tiếp với ai.
- Về điều kiện kinh tế của hai vợ chồng: Thường tòa sẽ xem xét đến khả năng kinh tế của các bên như về nguồn thu nhập, công việc chủ yếu để đảm bảo con có được môi trường phát triển thuận lợi, nơi ở của các bên (nhà ở, nhà thuê, nhà mượn..),…
- Về điều kiện tinh thần: Như thời gian chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ con của các bên…phẩm chất đạo đức của vợ chồng, lối sống/nhân cách của vợ chồng, thời gian chung sống với con từ trước tới nay của hai vợ chồng, con ở với ai thì có điều kiện phát triển thuận lợi hơn…
Sau khi xem xét, cân nhắc, đối chiếu toàn bộ các điều kiện như đã nêu trên, Tòa sẽ quyết định người được quyền nuôi dưỡng con.
Trên đây là một số đều cần biết khi ly hôn đơn phương. Hãy liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn chi tiết hơn: letran@familylawyers.vn .