Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng được xác lập kể từ thời điểm kết hôn cho đến trước khi hôn nhân chấm dứt. Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Bài viết sau đây của LeTran sẽ làm rõ một số vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Quan hệ hôn nhân và gia đình
Xác lập quan hệ hôn nhân
Trên thực tế, lễ cưới hỏi thường được xem là sự kiện đánh dấu sự chính thức bắt đầu của hôn nhân. Tuy nhiên, về mặt luật pháp, hôn nhân bắt đầu từ việc đăng ký kết hôn, là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định pháp luật khi có đủ điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.
Hôn nhân là sự liên kết trên cơ sở tự nguyện của hai bên nam nữ. Hai bên nam nữ có quyền tự mình quyết định việc kết hôn, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối và cũng không bị cản trở. Sau khi kết hôn, việc duy trì hay chấm dứt quan hệ hôn nhân dựa trên sự tự nguyện của mỗi bên vợ, chồng. Tồn tại với hôn nhân là toàn bộ quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng về nhân thân và tài sản.
Mục đích của việc xác lập quan hệ hôn nhân là để cùng nhau chung sống và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Do vậy, nếu nam nữ kết hôn là để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài, hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm để chung sống và xây dựng gia đình thì gọi là kết hôn giả tạo. Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 cấm kết hôn giả tạo. (Điều 5 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014.)
Khác với Luật Hôn nhân và Gia đình 2000, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không công nhận hôn nhân thực tế (nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.)
Hôn nhân một vợ một chồng là gì?
Hôn nhân một vợ một chồng là hôn nhân được xác lập giữa một người đàn ông và một người đàn bà trên cơ sở quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Khi quan hệ hôn nhân đang tồn tại, vợ, chồng không được kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng.
Một người muốn kết hôn với người khác có trách nhiệm chứng minh là người chưa kết hôn lần nào (đối với người chưa kết hôn từ khi có đủ điều kiện kết hôn) hoặc đã kết hôn nhưng hôn nhân đã chấm dứt (khi một bên vợ, chồng chết hoặc đã ly hôn). Nhà nước cấm người đang có vợ, đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng; cấm người chưa có vợ, chưa có chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, đang có chồng. Mọi hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Hôn nhân tự nguyện tiến bộ là gì?
Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là hôn nhân đáp ứng được các điều kiện sau:
- Hôn nhân được xác lập trên cơ sở do nam nữ tự nguyện quyết định, không ai được cản trở, cưỡng ép, lừa dối nam nữ trong việc kết hôn;
- Việc sống chung và thực hiện nghĩa vụ hôn nhân và gia đình của vợ chồng là tự nguyện; và
- Khi mục đích hôn nhân không đạt được, vợ, chồng hoặc cả vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án cho chấm dứt hôn nhân của vợ hoặc chồng hoặc của cả vợ chồng phải xuất phát từ quan hệ hôn nhân không còn duy trì được nữa, tình cảm giữa các bên đã hết, mâu thuẫn đã trầm trọng. Nhà nước cấm lừa dối, cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo. Tóm lại, hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là hôn nhân đáp ứng được sự tự nguyện trong kết hôn, sống chung và ly hôn.
Gia đình là gì và gia đình có những chức năng nào?
Gia đình là gì?
Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Chủ thể của gia đình bao gồm vợ, chồng, con; anh chị em; ông bà (nội, ngoại) và cháu. Cùng tồn tại với gia đình là các quan hệ xã hội giữa các chủ thể nói trên về các nghĩa vụ và quyền về nhân thân và tài sản.
Ngoài ra, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng điều chỉnh các quan hệ giữa con riêng giữa vợ hoặc chồng với cha kế, mẹ kế nếu họ sống chung, nuôi dưỡng, chăm sóc cho nhau như cha con, như mẹ con.
Gia đình có những chức năng nào?
Gia đình có các chức năng sau:
- Chức năng duy trì nòi giống: đây là chức năng quan trọng nhất của gia đình. Thông qua sự kiện sinh đẻ, gia đình tạo ra con người, duy trì phát triển xã hội, nòi giống. Con người là vốn quý của xã hội. Xã hội loài người tồn tại, phát triển và diệt vong phụ thuộc vào việc gia đình thực hiện chức năng này;Việc sinh đẻ là quy luật sinh tồn của tự nhiên, cũng là quy luật xã hội. Việc thực hiện chức năng này của gia đình phụ thuộc và điều kiện kinh tế, xã hội của từng quốc gia;
Việc sản sinh ra con người luôn gắn liền với việc nuôi dưỡng và giáo dục, để con người phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành công dân có ích cho xã hội.
- Chức năng giáo dục: Gia đình là trường học đầu tiên của mỗi con người, gia đình thực hiện chức năng giáo dục đối với các thế hệ kế tiếp bắt đầu từ khi mỗi thành viên được sinh ra cho đến khi trưởng thành;Chủ thể có trách nhiệm giáo dục trong gia đình là người đã thành niên. Tùy thuộc vào gia đình, chủ thể được giáo dục mà gia đình có các phương pháp giáo dục phù hợp. Tuy nhiên, Nhà nước nghiêm cấm các phương pháp giáo dục trái pháp luật.
- Chức năng kinh tế: Đây là chức năng giúp gia đình tồn tại, phát triển và thực hiện tốt chứ năng duy trì nòi giống và chức năng giáo dục.